'Họa lớn' vì mua đất không công chứng
"Họa lớn" vì mua đất không công chứng
Nhiều người vì xem nhẹ thủ tục công chứng mà phải chịu mất trắng khi bị đối phương kiện ra tòa. Công chứng ngày càng được coi là "người gác cổng" tin cậy, bảo đảm an toàn về pháp lý cho các giao dịch về nhà đất.
1/ Dễ bị kiện
Chị Minh Hương là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội. Sau gần 10 năm chắt bóp, anh chị mới dành dụm được khoản tiền mua một mảnh đất trong làng Ngọc Hà (cũ). Mảnh đất này thuộc quyền sử dụng của anh Trọng Lê, là con trai trưởng của dòng họ Nguyễn.
Anh Lê không phải là người đứng tên trong sổ đỏ, nhưng theo thỏa thuận (miệng) của các anh chị em trong gia đình, anh Lê được quyền tự quyết định đối với lô đất này. Vì thế, chỉ có vợ chồng anh Lê đứng tên trong giấy mua bán viết tay với vợ chồng chị Hương. Hai bên cam kết khi nào chị Hương trả nốt 30 triệu thì anh Lê sẽ giao sổ đỏ sang tên cho chị Hương.
Tuy nhiên, 2 năm sau đó, khi sổ đỏ sau nhiều lần lần lữa vẫn chưa làm thì bố đẻ anh Lê qua đời. Cũng từ đó, gia đình anh Lê xảy ra mâu thuẫn, trong đó có chuyện phân chia tài sản. Thương lượng bất thành, 4 anh chị em còn lại trong gia đình đồng đệ đơn kiện anh Lê ra tòa án.
Tại bản án của TAND quận đã tuyên chia toàn bộ di sản thừa kế cho 5 anh chị em, trong đó bao gồm cả phần đất anh Lê đã bán cho chị Hương. Vì việc mua bán giữa anh Lê, chị Hương không được sự đồng ý bằng văn bản của bố đẻ (khi đó mẹ anh Lê đã mất) và các anh chị em khác trong gia đình, giấy mua bán giữa hai bên cũng không có công chứng, chứng thực…, xét quan hệ mua bán giữa anh Lê, chị Hương là chưa tuân thủ đúng luật định nên Tòa tuyên chị Hương phải trả lại đất, anh Lê trả lại tiền.
Thời chị Hương mua đất chỉ 2 triệu/m2, nay giá đất gấp hàng chục lần, nếu chị nhận lại tiền, tính cả lãi suất thì cũng không mua nổi mấy m2 chứ đừng nói đủ làm nhà…
Tương tự hoàn cảnh chị Hương, năm 2007 là thời điểm giá nhà đất Hà Nội “xuống đáy” nên có ít tiền dành dụm, vợ chồng anh Bùi Văn P. ở Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội quyết định bỏ vốn đầu tư vào đất. Dù đất đã có sổ đỏ nhưng vì nhiều lý do, anh P vẫn chưa làm các thủ tục chuyển nhượng, kể cả công chứng.
Năm 2010, mảnh đất anh P mua trúng vào quy hoạch của một dự án kinh tế lớn. Do anh P chưa sang tên sổ đỏ, hợp đồng mua bán không có công chứng, chứng thực nên anh không chứng minh được mình là chủ mảnh đất nói trên nên không nhận được đền bù. Bất đắc dĩ anh phải “nhờ” người chủ cũ làm các thủ tục nhận tiền đền bù với “chi phí cắt cổ” là 5% trên tổng số tiền được nhận.
2/ Giao dịch ngầm: gánh nặng trên vai ngành Tòa án
Rất nhiều người ở hoàn cảnh như chị Hương, anh P. khi họ mua bán nhà đất chưa có sổ đỏ, hoặc không được sự đồng ý của các đồng thừa kế, kể cả việc các đồng thừa kế có ký tên, điểm chỉ nhưng việc mua bán chỉ là trao tay thì khi ra tòa, người mua vẫn luôn ở thế yếu.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng vô hiệu (vì không tuân thủ các quy định của pháp luật) thì hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, điều khiến những người mua phải điêu đứng khi giá nhà đất ở thời điểm mua khác xa so với thời điểm xảy ra tranh chấp. Và như vậy trong các vụ kiện này, người mua có thể bị mất trắng.Thực tế, nhiều vụ khi bản án đã có hiệu lực, người mua phải trả lại nhà đất nhưng nếu họ không tự nguyện thì còn bị cưỡng chế thi hành án và phải trả các khoản chi phí phục vụ cho việc cưỡng chế. Đó là chưa kể, nhiều vụ người mua phải chờ người đã bán đất cho mình có điều kiện để thi hành án thì họ mới nhận lại được số tiền đã bỏ ra mua đất trước đây. May mắn hơn như trường hợp của anh P. không bị kiện ra tòa nhưng cũng phải chấp nhận “khoản chi phí trời ơi” cho người chủ cũ mới lấy được tiền đền bù mà lẽ ra anh là người phải được nhận “trọn gói”.
Nhà đất là những tài sản có giá trị lớn, tuy nhiên, do bất cẩn, chủ quan hoặc do nhận thức pháp luật hạn chế nên nhiều người dân vẫn chấp nhận việc mua bán trao tay, và thực tế này diễn ra khá phổ biến. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.
Thực tiễn xét xử thời gian qua cũng cho thấy thị trường bất động sản đang còn những giao dịch “ngầm”, giao dịch “chui” thông qua hình thức mua bán trao tay, không qua công chứng chứng thực và rất khó kiểm soát. Tranh chấp ngày càng nhiều tạo gánh nặng lên vai ngành Tòa án bởi lẽ để xét xử những vụ việc này mất rất nhiều thời gian, công sức.
Xem thêm: Nhà đất
Trọn bộ "bí kíp" cho người muốn mua căn hộ giá rẻ
Nhiều căn hộ trên thị trường đang có giá khá rẻ do BĐS ế ẩm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu giá thành của căn hộ giảm nhiều so với khu vực thì người mua nên tính tóan đến chất lượng và khả năng hoàn thiện dự án.
1/ Tìm hiểu lai lịch chủ đầu tư
Theo anh Nguyễn Tâm (Công ty Cổ phần Nhà Hà Nội), mua căn hộ ngoài vấn đề giá cả, chất lượng còn lưu ý vấn đề an ninh và sự an toàn như: Hệ thống liên lạc nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cửa thoát hiểm, khả năng cách âm của căn hộ, vị trí cần thuận tiện, dễ dàng (cần nằm gần chợ, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, dịch vụ giữ xe, chế độ duy trì bảo dưỡng, gần nơi làm việc…). Mua căn hộ tư nhân nên tham khảo giá mặt bằng xung quanh, rồi trả giá giảm đi 30% - 20% giá đưa ra và thương lượng thêm. “Hiện có rất nhiều dự án nhà chung cư giảm giá, nhưng nếu giá giảm hơn 30% so với khu vực xung quanh thì nên xem lại chất lượng công trình, tiến độ dự án”, anh Tâm tư vấn.
Anh Phú Đạt, chuyên gia bất động sản tại Hà Nội khuyên, mua nhà chung cư, dự án… nên tìm hiểu lai lịch chủ dự án xem công ty đó đã có kinh nghiệm làm dự án chưa và các dự án trước đó triển khai có đúng tiến độ không; từ xưa đến nay làm ăn có vi phạm pháp luật không... Tiếp đó tìm trên mạng xem dự án đó đã được cấp phép, hay đang xin cấp phép, hoặc dự án đó mua lại của công ty khác (gọi là dự án qua công ty thứ cấp). Việc tìm hiểu kỹ chủ đầu tư giúp bạn không bị rơi vào tình trạng giao nhà không đúng tiến độ, khiến tiền bị chôn rất lâu. Tốt nhất bạn nên chọn những dự án đã hoàn thiện toàn phần hoặc một phần để nhận được nhà sớm.
Ký hợp đồng mua bất động sản cần kiểm tra các thông tin như: Giấy phép xây dựng, đất đã chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đã hoàn thành các nghĩa vụ, các khoản thuế với nhà nước và đặc biệt là phải hoàn thành xong phần móng... Những thông tin này rất dễ để kiểm tra qua địa chính khu vực và người dân xung quanh.
Nên chọn chủ đầu tư có thành tích, đang làm những dự án có quản trị tốt, có trách nhiệm với khách hàng, nắm được chủ đầu tư thực sự của dự án. Không nên thấy giảm giá mà lao vào, kẻo vào ở thì hư hỏng do chủ đầu tư “ăn” vào vật liệu xây dựng. Nếu nhờ người môi giới, sàn giao dịch địa ốc, hay bạn bè người thân giới thiệu hộ cũng cần cẩn thận ghi lại mọi thỏa thuận chi tiết, “giấy trắng, mực đen” cho hợp đồng mua bán.
Xem thêm: Mua bán nhà đất quận Long Biên
2/ Trình tự nộp tiền
Theo anh Phú Đạt, từ khi khởi công đến khi làm xong móng chủ đầu tư mới thu 20%. Còn lại chia ra 5 đợt, tới khi nhận nhà phần thô mới nộp 70%, còn 30% khi nhận nhà mới trả nốt. Mua căn hộ dựa trên bản vẽ mặt bằng sẽ rất khó tưởng tượng, do đó cần kiểm tra tiêu chuẩn thiết kế (phòng ngủ, phòng khách, bếp...) phải có độ thông thoáng, ít nhất có một mặt nhà tiếp xúc với thiên nhiên, có ban công làm nơi trồng cây, phơi đồ...
Muốn mua nhà giá gốc, giá rẻ nên mua trực tiếp của chủ đầu tư (nhưng phải chờ 2-3 năm). Mua nhà qua các trung tâm tư vấn cần chú ý giá cả so với giá thực tế thời điểm đó, các giấy tờ liên quan có chính xác không. Đề nghị người đăng tin hoặc chủ nhà cho xem bản thiết kế gốc, nếu là nhà đã nâng cấp cải tạo thì phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý cấp. Nên tránh mua qua môi giới vì sẽ phải đi tìm hiểu nhiều.
Anh Phú Đạt cho rằng, pháp lý và chủ quyền nhà là quan trọng nên khi mua, bạn nên yêu cầu bên bán cung cấp thông tin chi tiết. Cần biết rõ các thông tin địa chỉ, kết nối giao thông, quy mô và loại hình dự án (thời gian khởi công, hoàn thành, đang xây dựng, giá, tiến độ thanh toán, vị trí căn hộ mua, view hướng, nội thất, ngân hàng hỗ trợ).
Với những căn hộ giá rẻ, trả góp, bạn sẽ phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, rất cần nhờ tư vấn của luật sư chuyên về địa ốc, hay người thạo về giấy tờ nhà đất. Rủi ro khi mua nhà góp vốn là nếu chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng tiến độ cũng khó khởi kiện. Chưa kể một bộ phận nhà đầu tư khó khăn về tài chính, tiến độ phải bán tháo, chấp nhận lỗ.
Nhà "bán tháo", "cắt lỗ" có nhiều rủi ro về tiến độ dự án, thậm chí ngưng triển khai, đặc biệt là dự án "ma" bán nhà chia lô trên giấy với những thủ đoạn tinh vi, là "cuộc chơi" mạo hiểm. Chất lượng nhà cũng nên nhờ người biết về xây dựng kiểm tra giùm. Khi giao kết hợp đồng mua bán, bạn phải “chốt giá” để tránh việc vàng tăng giá. Bạn cũng cần đọc kỹ hợp đồng đặt cọc để tránh tranh chấp, rơi vào hoàn cảnh đặt cọc tiền rồi nhưng không đủ tiền thanh toán tiếp.
Dù bạn mua căn hộ gì cũng cần phải xem qua các căn hộ mẫu. Khi đặt bút ký hợp đồng phải xem xét kỹ lưỡng các văn bản giấy tờ liên quan, hồ sơ pháp lý của dự án. Không nên thấy rẻ là nộp tiền, tránh hậu quả nhà chưa thấy đâu mà tiền cũng khó đòi lại được, khiếu kiện lại mất rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian. Quan trọng nữa là dự án đó có được gọi là đất sạch không, bởi vấn đề giải phóng mặt bằng là chuyện rất gian nan.
Đăng bởi Bich Van Tags: bán nhà, bất động sản, lưu ý khi mua nhà, mua bán bất động sản, Mua bán nhà đất, mua bán nhà đất giá rẻ, mua nhà, nhà đất, vay tiền mua nhà